Quan điểm cá nhân Ngô_Bảo_Châu

Quan điểm làm việc

  • Trên báo Thanh Niên số đặc biệt Tết 2010 (sau khi tạp chí Times xếp công trình của ông vào nhóm 10 công trình tiêu biểu của năm 2009, và trước khi ông nhận giải Fields), trả lời câu hỏi về những thách thức gặp phải khi chứng minh bổ đề cơ bản và cách vượt qua, ông nói "...tôi mất rất nhiều thời gian để học nhiều thứ toán học của nhân loại trước khi quay lại vật lộn với Bổ đề cơ bản. [...] Đến một lúc nào đó, bạn làm toán vì bạn thích chứ không phải để chứng tỏ một cái gì nữa".[39][40]

Quan điểm giáo dục

  • Ngày 11 tháng 5 năm 2014, trong một bài viết trên báo Tuổi trẻ, GS Ngô Bảo Châu nhận xét: "Tại sao phải dùng ngân sách để làm ra những quyển sách mà người dân vẫn phải mua, vẫn bắt buộc phải mua hằng năm với một số lượng lớn. Vốn là một người làm toán, người làm toán thích những suy nghĩ đơn giản và ngây thơ, tôi thấy có một phương án đơn giản, ngây thơ để giải quyết sự bất công kể trên: đó là công bố hoàn toàn nội dung sách giáo khoa lên mạng." Ông đề nghị sử dụng mô hình wikipedia như mô hình mẫu cho việc này.[41]
  • Đầu năm 2015, GS Ngô Bảo Châu nhận xét: "trong năm qua, điều hơi tiếc là trọng tâm cải cách giáo dục đáng ra giáo dục đại học là khâu yếu nhất lại không ai đả động gì. Rõ ràng đây mấu chốt cần giải quyết vì giáo dục đại học quyết định sự phát triển đất nước trong đào tạo nhân lực cho xã hội".[42]
  • Trong hội thảo Thử nghiệm ước mơ nghề nghiệp tổ chức tại trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) ngày 3/5/2017, ông cho rằng việc hướng nghiệp cho học sinh nên được thực hiện vào cuối cấp hai, đầu cấp ba.[43]
  • Ngày 21/4/2020, trong buổi nói chuyện trực tuyến với sinh viên, về vai trò của người thầy, ông bày tỏ suy nghĩ: "Người thầy vĩ đại là người biết cách đặt ra những câu hỏi hay, thôi thúc chúng ta đi tìm chân lý". Trả lời câu hỏi, "làm thế nào để có phát kiến mới?", ông nói: "Tôi nghĩ không thể nào phát kiến tự nảy ra trong đầu chúng ta. Thực ra, tất cả phát kiến là do chúng ta có kinh nghiệm. Khi chưa đi làm thì kinh nghiệm này có thể đến từ việc giải quyết nhiều tình huống trong học tập"[44]

Quan điểm chính trị

  • Theo BBC Vietnamese, GS Ngô Bảo Châu cho biết ông đã gửi một bức thư kiến nghị về dự án Bauxit ở Tây Nguyên vào ngày 29 tháng 5 năm 2009 nhưng tới thời điểm phỏng vấn là ngày 13 tháng 12 năm 2009, ông vẫn chưa nhận được hồi âm. Nội dung của lá thư theo ông cho biết là đề cập đến chính sách thực dân mới của chính quyền Trung Quốc về khai thác khoáng sản trên toàn cầu và đặc biệt là tại Tây Nguyên, ông cũng đưa ra cảnh báo: "phần có hại thì cầm chắc, phần có lợi thì mong manh."[45].
  • Đồng thời trong cuộc phỏng vấn này, ông cũng cho hay ông có theo dõi sự kiện Viện nghiên cứu Phát triển (IDS), một Viện nghiên cứu và phản biện chiến lược tư nhân do Giáo sư Hoàng Tụy và Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A đứng đầu, đã giải thể sau khi Viện này cho rằng một quyết định quản lý khoa học của Chính phủ ban hành năm 2009 là bất hợp lý. Và ông đã cho biết quan điểm của mình về vụ này như sau: "Tôi có theo dõi tuy không chi tiết như giới nhà báo. Nhưng một xã hội mà không biết lắng nghe các ý kiến phản biện là một chuyện tương đối dở".[45]
  • Trong vụ án Cù Huy Hà Vũ, Ngô Bảo Châu nói ông "vốn không đặc biệt hâm mộ" ông Cù Huy Hà Vũ, nhưng cho rằng ông Vũ là "một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình"...[46]" đồng thời cũng chỉ trích chính quyền và tòa án rằng họ đã "cố tình làm mất thể diện quốc gia" khi "bắt ông (Vũ) bằng hai bao cao su đã qua sử dụng", xử "nửa công khai, nửa bí mật", và "từ chối thực hiện thủ tục tố tụng". Ông cho là: ""Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ." [46] Sau vụ bình luận gây nhiều tranh cãi này, vào ngày 11 tháng 4 năm 2011, blog cá nhân của GS. Ngô Bảo Châu có tên Thích học toán đã tạm đóng cửa và đặt ở chế độ cá nhân.[47]
  • Ngày 12/9/2015, trong chương trình giao lưu ra mắt sách "Kẻ trăn trở" của TS Lương Hoài Nam, GS Ngô Bảo Châu nhận xét: "Người biết phẫn nộ, biết trăn trở chính là người tạo ra động lực thay đổi trong xã hội, làm giảm bớt sự đau khổ của con người, giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn".[48]

Quan điểm xã hội

  • Năm 2010, sau khi nhận giải thưởng Fields, ông có đăng trên blog cá nhân một câu trả lời cho những thắc mắc về quan điểm của ông trong vấn đề "lề đường báo chí"[49] như sau: "Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do".[50][51] Phát ngôn này của ông gây nhiều tranh cãi và sau đó đã trở nên rất nổi tiếng.[52]

Quan điểm môi trường

  • Trong buổi nói chuyện trực tuyến với sinh viên ngày 21 tháng 4 năm 2020, giáo sư Ngô Bảo Châu bày tỏ suy nghĩ của mình về dịch bệnh COVID-19, và hy vọng con người sẽ thân thiện hơn với thiên nhiên. Ông nói: "[...] tôi hy vọng sẽ có những sự thay đổi trong tổ chức cuộc sống, sống nhịp nhàng và đơn giản hơn, con người thân thiện hơn với thiên nhiên."[44]

Quan điểm tôn giáo

Ngô Bảo Châu trưởng thành trong 1 gia đình theo Phật giáo. Mặc dù khẳng định triết lý và văn hóa Phật giáo đã thấm sâu vào con người ông như nhiều người Việt Nam khác, tuy nhiên ông xác định mình không phải là Phật tử "theo nghĩa toàn vẹn nhất" của từ này. Khi được hỏi về quan điểm đối với giáo lý Phật giáo, ông cho rằng "Triết lý Phật giáo cho con người một nhân sinh quan rộng rãi, giải phóng nhiều định kiến. Đấy là một tố chất cơ bản của nhà khoa học".[53]

Ngày 19 tháng 5 năm 2016, nhân ngày sinh nhật lần thứ 126 của Hồ Chí Minh, Ngô Bảo Châu viết trên Facebook cá nhân của mình: “Có quý‎ mến ai thì mong họ thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.[54]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ngô_Bảo_Châu http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/05/1605... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/1715957 http://www.daophatngaynay.com/vn/Tap-chi-Dao-Phat-... http://www.france24.com/en/20100908-vietnam-maths-... http://www.time.com/time/specials/packages/article... http://www.vnmath.com/2010/02/bai-phong-van-giao-s... http://thichhoctoan.wordpress.com/ http://www.math.uchicago.edu/~ngo/nbc-homepage.htm... http://news.uchicago.edu/article/2011/05/16/humani... http://vietinfo.eu/viet-nam-que-huong/ngo-bao-chau...